Vì sao bạn dọn dẹp, đưa ra quy định cái này phải ở chỗ này cái kia ở chỗ kia cái lọ cái chai… nhưng các thành viên hay chính bản thân bạn cũng không duy trì được nó ?Vì sao sau khi bạn sắp xếp gọn gàng rồi mà vài tuần, thậm chí vài ngày sau mọi thứ lại đâu vào đấy ?
Bạn có từng chạy lên tầng 3 để lấy một thứ rồi chạy xuống tầng 1 để xài thứ đó ?
Một trong những lý do của những việc như trên có tên là Đường chuyển động.
Bạn đã từng nghe đến khái niệm này hay chưa?
Khái niệm này được ứng dụng ở rất nhiều nơi như nhà hàng, siêu thị, nhà máy…như trong hình dưới đây.



Như ở siêu thị sẽ là thứ tự hàng khách mua như thế nào, để hàng nào ở đâu , để hàng giảm giá ở đâu, để biển quảng cáo ở đâu để đạt hiệu quả cao nhất. Ở nhà máy là mỗi quy trình sản xuất sẽ cần lấy những nguyên liệu nào, làm ở vị trí nào và chuyển qua công đoạn tiếp theo như thế nào.
Mình thấy thú vị là ở Nhật, Đường chuyển động được ứng dụng nhiều trong hộ gia đình nữa.Đường chuyển động trong nhà là lộ trình dịch chuyển trong nhà mỗi ngày ở mỗi hoạt động của mỗi thành viên trong gia đình. Ví dụ như hình dưới đây là hình ảnh đường chuyển động được ứng dụng trong thiết kế bếp ăn. Đường chuyển động được vẽ cho 2 hoạt động chính trong bếp là Nấu ăn ( màu đỏ ) và Dọn dẹp ( màu xanh ).

Hoạt động nấu ăn bao gồm 7 bước
- Để tạm nguyên liệu nấu ăn mua về
- Rửa
- Cắt
- Để nguyên liệu nấu ăn sau khi cắt
- Nấu ăn
- Sắp đồ ăn ra đĩa
- Mang đồ ăn ra bàn
Hoạt động Dọn dẹp gồm 2 bước ( đơn giản hoá):
- Xếp vào máy rửa chén
- Lấy từ máy ra xếp vào giá
Hoặc bạn có thể vẽ đường chuyển động nối nhau chi tiết hơn như mình vẽ với căn nhà ở Việt Nam như dưới đây.Nhà bạn có 2 tầng và 1 sân thượng tầng 3. Tầng 1 có bếp và phòng khách. Tầng 2 có 2 phòng ngủ , sân thượng có máy giặt và chỗ phơi quần áo.
Đường chuyển động của bạn trong hoạt động Giặt quần áo:
Bạn đang đứng ở tầng 1, bạn đi lên các phòng ngủ ở tầng 2 thu quần áo bẩn rồi đi lên tầng 3 giặt đồ.
Bạn cho đồ vào giặt rồi quay trở lại bếp để làm tiếp công việc của mình.
Quần áo giặt xong bạn lên sân thượng lấy đồ giặt ra phơi, thiếu móc áo bạn lại xuống tủ quần áo phòng ngủ gom móc rồi quay lại tầng 3 phơi đồ.
Phơi quần áo xuong bạn xuống tầng 1 tiếp tục nấu ăn.Những thứ bạn cần đến để thực hiện hành động: Quần áo bẩn, bột giặt xả, túi giặt, móc phơi quần áo, dép đi sân thượng.(Mình lược đi phần rút quần áo, gập, ủi nhé)

Bạn muốn bớt vất vả hơn thì phải thu ngắn lại quãng đường đi và để những thứ cần thiết ở nơi hợp lý.Bột xả giặt túi giặt để gần máy giặt, dép đi sân thượng để ở cửa ra.Đặt giỏ đồ ở các vị trí như hình, 1 giỏ để móc, một giỏ để quần áo bẩn.Các thành viên trong gia đình sẽ bỏ quần áo bẩn và móc trống vào vị trí quy định. Giỏ đồ dùng chất liệu đan tự nhiên để không thấy bừa bôn khi để ra ngoài.
Vậy các bước giặt đồ của bạn sẽ còn lại như hình.Đường chuyển động của bạn sẽ giảm nhờ sắp xếp hợp lý và sự hợp tác từ các thành viên gia đình.
Những đường chuyển động bạn có thể vẽ trong nhà được chia ra làm 4 mục,nhưng bạn chỉ cần thực hiện mục 1, mục 2 là đáp ứng được 80% công việc ở nhà rồi.
■2 mục chính
1. Đường chuyển động công việc nhà : Là những công việc nhà phải làm hằng ngày như giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp.
Giặt giũ như mình ví dụ ở trên thì phạm vi khá là rộng.
Nấu nướng thì là bạn để ý đến đường chuyển động ở quy mô nhỏ hơn là ở trong bếp, bạn tham khảo ví dụ đầu tiên nhé.
Dọn dẹp thì là việc bạn cất các dụng cụ dọn dẹp ở đâu, thứ tự dọn như thế nào.
2. Đường chuyển động đi , về nhà
Là khi mỗi thành viên trong gia đình bạn chuẩn bị đi làm , đi học hay sau khi đi làm, đi học về.
Lúc đi thì để chìa khóa, áo mưa, khẩu trang, mũ bảo hiểm ở đâu? Lúc về thì để ở đâu cho tiện và đẹp mắt.
Suy nghĩ kỹ , dán nhãn vị trí để sáng không bị vội , tối mệt cũng cất được vào vị trí ban đầu.
■2 mục tham khảo
3.Đường chuyển động khi khách tới nhà
4.Đường chuyển động vệ sinh
Nếu khi bạn thiết kế nhà lúc xây nhà mới , bạn sẽ có ý tưởng xây dựng một ngôi nhà thoải mái hơn. Nếu đã xây nhà rồi, bạn cứ thực hiện vẽ đường chuyển động, chỗ nào thấy không hợp lý bạn lại thay đổi.Mỗi ngày bạn thực hiện các hoạt động tương đối giống nhau nên lộ trình mỗi ngày không khác nhau quá nhiều.Bạn cứ làm từ từ từng hoạt động nhé, thử một thời gian nếu thấy không hợp lý thì nắn lại , bạn sẽ tìm được đáp án tối ưu cho căn nhà.
Mong bạn đỡ vất vả hơn để giữ ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ!