Mình mới đọc một cuốn sách được đánh giá rất cao về phương pháp học của một bạn trẻ rất nổi tiếng tại Nhật là bạn Izawa Takushi.
Izawa sinh năm 1994, tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Tokyo. Học lên cao học nhưng năm 2019 nghỉ giữa chừng để thành lập công ty Quiznock với trang web quiznock.com. Đây là một trang chia sẻ kiến thức với các cây viết trẻ phần lớn là sinh viên Todai. Izawa có rất nhiều giải thưởng đáng nể như hai lần liên tiếp đạt giải Nhất cuộc thi Quiz cấp trung học phổ thông toàn quốc lần thứ 30 và 31 ( Một giải đấu trí tuệ rất nổi tiếng của Nhật.) và làm thủ lĩnh đội thi siêu trí tuệ 東大王 ( King of Tokyo University ). Cậu đồng thời cũng tham gia rất nhiều chương trình về trí tuệ khác trên truyền hình Nhật Bản.

Cuốn sách viết về phương pháp học dày ba trăm trang có tên ” Học hành toàn tập “.Cuốn sách giải thích chi tiết về những gì cậu ấy đã trải qua, cách suy nghĩ khi học hành, và chia sẻ cụ thể về phương pháp học của cậu ấy. Năm cấp ba cậu ấy học ở một trường có 400 học sinh, bị xếp hạng thứ 300. Mà những bạn muốn thi đỗ vào Tokyo University điều kiện cần là phải đứng trong top 100. Có lẽ vì vậy quá trình ôn thi vào Tokyo University của cậu ấy đã rất khó khăn.
Cuốn sách 300 trang là những nghiên cứu về phương pháp học của cậu ấy để thi đỗ vào ngôi trường số một tại Nhật. Mình xin tóm tắt ở đây để chúng ta cùng áp dụng nhé.
VÌ SAO BẠN HỌC ?
Vì bạn là thí sinh, học là một nghề nghiệp xếp ngang hàng với những nghề nghiệp khác, NGHỀ HỌC. Khi ý thức được đây là một nghề, học tập là một công việc, những thí sinh giống bạn cũng đang làm công việc này thì bạn sẽ có trách nhiệm hơn với công việc mình đang làm. Bạn cần có một mục tiêu rõ ràng để học.
Ngồi vào bàn học 1 tiếng mỗi ngày, 2 tiếng mỗi ngày chỉ là phương tiện, không phải là mục đích. Bạn muốn học gì ở trường đại học nào, sau khi đỗ đại học bạn muốn làm cái gì ? Hãy suy nghĩ trước khi bạn bắt đầu học. Cốt lõi, nguồn lực cho việc học của bạn nằm ở mục tiêu của bạn. Khi bạn mệt mỏi, khi bạn đi sai hướng điều cốt lõi này sẽ kéo bạn trở lại và giúp bạn thêm quyết tâm để đạt được điều mình mong muốn. Nó giống như động cơ xe vậy, muốn xe chuyển động động cơ phải liên tục làm việc, hãy luôn ý thức về mục tiêu của bạn khi bạn học.
PHƯƠNG PHÁP HỌC RẤT QUAN TRỌNG
Muốn nâng cao kết quả học tập phải để ý đến phép nhân sau :
Thời gian học x Phương pháp học
Kết quả phép nhân trên sẽ quyết định thành tích học tập của bạn. Thời gian học là thước đo sự nỗ lực của bạn, phương pháp học là hướng đi cho sự nỗ lực ấy. Nếu bạn học sai cách, nỗ lực của bạn là vô ích. Đừng đếm số thời gian bạn học mỗi ngày, số lượng sách bạn đã xem qua, hãy tính xem khoảng cách của bạn tới mục tiêu còn xa không. Mục tiêu của bạn để dễ tính có thể chia cho từng tháng, từng tuần và từng ngày.
Ví dụ bạn có một cuốn sách lịch sử và thi trong 4 tháng tới. 1 tháng cuối để làm thi thử, 3 tháng còn lại mỗi tháng bạn phải học 1/3 cuốn sách, chia ra mỗi tuần bạn phải học 1/4 của mục tiêu tháng. Hãy tính xem mình tới đích còn xa không. Học mà không tới gần mục tiêu được là bạn đang đi sai hướng, hay nói cách khác, bạn đang học sai phương pháp. Không có phương pháp học nào áp dụng cho tất cả mọi người, nó phụ thuộc vào mục tiêu bạn muốn đạt được ( Trường , khoa bạn muốn thi – ở Nhật thi đề riêng ), phụ thuộc vào đặc điểm của từng môn học và nó phải phù hợp với bản thân bạn. Vai trò của phương pháp học và môi trường học tập được thể hiện trong biểu đồ dưới đây.

Ví dụ : Cần tập trung để nâng cao hiệu suất học nên tôi nghe nhạc cổ điển khi đang học. Thử phân tích xem đâu là “ Mục đích “, “ Phương tiện “, “Nguyên lý “, “ Phương pháp “ Mục đích là học với hiệu suất cao. Phương tiện để đạt được là âm nhạc. Tập trung để nâng cao hiệu suất học tập là nguyên lý bất biến. Nghe nhạc cổ điển là phương pháp, nhưng nó phù hợp với bạn hay không thì chỉ mình bạn biết mà thôi.

ĐẶT RA LUẬT CHƠI CHO CUỘC SỐNG THI CỬ
Đầu tiên bạn cần lên danh sách những việc không cần làm. Xem ti vi Chơi game Lướt Facebook …. Lên danh sách thì dễ nhưng thực hiện thì rất khó. Để thực hiện bạn cần đặt luật chơi cho mình. Khi đặt luật chơi cần lưu ý đến 4 điểm dưới đây.
- Luật chơi cần khắc phục nhược điểm của bạn
- Luật chơi cần cụ thể
- Luật chơi có thể thực hiện được
- Luật chơi có thể thay đổi
Quan trọng nhất là luật chơi cần khắc phục nhược điểm của bạn. Ví dụ bạn hay check điện thoại khi đang học, hãy đặt cho mình quy định là nếu ngồi vào bàn thì tắt nguồn điện thoại. Hoặc bạn hay thức khuya rồi sáng hôm sau buồn ngủ không học được thì hãy ép bản thân đi ngủ lúc 10 giờ. ( Izawa chia sẻ cậu ấy đi ngủ lúc 10h và dậy lúc 10h…ngủ nhiều thế !)
NẮM CHẮC KIẾN THỨC CĂN BẢN ĐỂ GIẢM TÍNH MAY RỦI TRONG THI CỬ
Sự may rủi trong thi cử đến từ hai hướng
- Tính ngẫu nhiên trong việc ra đề thi
- Tính ngẫu nhiên trong việc học ( học tủ)
Hay điều này giao thoa với nhau tạo ra sự may rủi trong kỳ thi. Để nâng cao điểm thi bạn phải nắm chắc kiến thức căn bản trước đã. Kiến thức căn bản là gì ? Là những điều được ghi trong sách giáo khoa chứ không phải sách tham khảo. Nắm chắc là gì ? Là bạn có thể giải thích điều đó cho người khác hay không. Nắm chắc căn bản vừa giúp bạn giảm tính may rủi trong thi cử, vừa giúp bạn không mất bình tĩnh khi gặp một bài thi lệch tủ. Nắm chắc căn bản không hề dễ, điều đó khiến cho việc học không hề dễ dàng.
Học tập rất vất vả, bạn phải chấp nhận sự thật ấy.
GHI NHỚ VI MÔ VÀ GHI NHỚ VĨ MÔ
Izawa đưa ra hai khái niệm mới : Nội dung cần học có thể phân loại ra hai dạng kiến thức vi mô ( học bằng ghi nhớ vi mô) và kiến thức vĩ mô ( học bằng ghi nhớ vĩ mô)
Ghi nhớ vi mô là phương pháp ghi nhớ với những đơn vị kiến thức nhỏ lẻ, số lượng nhiều và đòi hỏi sự chính xác như từ vựng, thời điểm lịch sử, ký hiệu hoá học…Ghi nhớ vĩ mô có đặc điểm là dễ nhớ dễ quên nên yêu cầu phải ôn tập nhiều lần trong ngày.
Khi Izawa học từ vựng tiếng Anh, cậu ấy chia cuốn sách ra học 20 trang trong một lần. Ôn đi ôn lại khi nhớ được 20 trang đó cậu sẽ đi tiếp sáng 20 trang tiếp theo.
Ngoài ra cậu ấy còn giới thiệu phương pháp học bằng excel như trong hình. Một bên là câu hỏi, một bên là đáp án. Đọc câu hỏi, nhập đáp án, đảo thứ tự các câu hỏi…excel có rất nhiều chức năng giúp bạn ghi nhớ như bôi màu chữ, đảo thứ tự, đánh dấu những chữ khó …

Ghi nhớ vi mô nên lưu ý tới số lượng. Ví dụ có câu hỏi là kể tên các nền ẩm thực nổi tiếng thế giới. Cần phải nhớ là có 3 nền ẩm thực nổi tiếng. Sau đó mới kể ra, là Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ghi nhớ vĩ mô là phương pháp ghi nhớ với những cụm kiến thức lớn hơn, như chứng minh công thức, nội dung sự kiện lịch sử , nội dung văn học… Khi ghi nhớ vĩ mô cần lưu ý tới hai điểm quan trọng :
- Các yếu tố cấu thành là gì
- Sự kết nối giữa các yếu tố đó là gì
Với ghi nhớ vĩ mô, Izawa đưa ra ví dụ với câu chuyện Cậu bé trong quả đào của Nhật. Câu truyện gồm các nội dung chính là 1. Cậu bé sinh ra từ quả đào, 2. Cậu bé đi ra khỏi làng 3.Cậu bé đi nhận các con vật làm đệ tử 4. Cậu bé đánh quỷ mang kho báu về nhà. Đầu tiên phải nắm được nội dung chính, các nội dung phụ như : Ông lão đi cắt cỏ nhặt quả đào, hay cậu bé cho con vật bánh nếp sẽ đi kèm vào những nội dung chính.
ÔN TẬP
Điều quan trọng chung của ghi nhớ vi mô và ghi nhớ vĩ mô là ôn tập.
Ghi nhớ vi mô dễ nhớ dễ quên nên tần số ôn tập cao, ghi nhớ vĩ mô khó quên nhưng lại khó ôn hơn hơn nên tần số ôn tập thấp. Vì trí nhớ của mỗi người khác nhau nên tần số ôn tập phụ thuộc vào mỗi người, nên ôn ngay trước khi mình bị quên những kiến thức đó. Izawa nói rằng cậu ấy ôn tập những kiến thức vi mô 1 ngày 2 lầnvà kiến thức vĩ mô 2-3 ngày 1 lần cho tới khi nắm chắc thì thôi.
Về ôn từ vựng có thể dùng flash card, sổ tay từ vựng. Cách ôn bài toán của Izawa là nhìn bài, nghĩ cách giải , tưởng tượng cách giải trong đầu, khi nào không cần nhìn gì trong lời giài mà hình dung được đúng và rõ ràng đáp áp là xong. Cậu ấy dành thời gian ngồi trên tàu điện mỗi ngày để ôn bài. Nắm chắc là gì ? Nắm chắc là bạn có “gọi lại” được kiến thức đó trong đầu mà không cần nhìn sách vở hay không ? Đây là tiêu chuẩn để đánh giá bạn đã hoàn thành xong việc học kiến thức đó.
INPUT và OUTPUT
Input là nạp kiến thức đó vào đầu, Output là đẩy kiến thức đó ra ngoài. Ví dụ khi bạn học một từ vựng. Trong một lần bạn học 20 từ là Input. Ngày hôm sau bạn ôn tập lại, nhìn 20 từ đó, và phát âm hoặc tưởng tượng nghĩa của 20 từ đó trong đầu thì đó là Output. Bạn không thể nhớ hết 20 từ trong đầu, ví dụ bạn chỉ nhớ được 15 từ, thì bạn cần Input lại 5 từ đã quên. Vậy nên trong Output bao gồm cả Input. Lần Input thực sự của bạn chỉ là lần đầu tiên thôi. Izawa dành 20% thời gian học để Input và 80% thời gian còn lại để Output. Lặp đi lặp lại Input và Output sẽ giúp kiến thức ngấm vào đầu bạn.
Cách Output có nhiều cách, viết ra, nói ra, nghĩ ra, làm bài tập, giải thích cho người khác… hãy tự lựa chọn cách phù hợp với bạn. Ý thức về Input và Output rất quan trọng, hai cuốn bestseller của Nhật từ năm ngoái tới năm nay là “Input toàn tập” và “ Output toàn tập đấy “.Hai cuốn này đều đề cập đến nội dung Output là quan trọng hơn Input, cần Output thật nhanh khi bạn đã Input kiến thức vào trong đầu. Làm càng nhanh và càng nhiều lần thì bạn càng nhớ nhanh hơn.
CÁCH GHI CHÉP
Phần này mình tham khảo nhiều nguồn khác nữa. Cũng không nhớ đã đọc ở sách nào nên không ghi nguồn. Ghi chép lại là một việc quan trọng. Luôn ý thức mục đích của việc ghi chép khi học. Có 3 mục tiêu của ghi chép.
- Output : Khi bạn nghe thầy cô giảng bài, nhớ lại và ghi ngay vào giấy là hành động Output, điều này giúp bạn ghi nhớ kiến thức. Cái này quan trọng là thời điểm và tần số thực hiện.
- Tra cứu : Những nội dung bạn không cần nhớ, nhưng cần tra cứu lại. Mục tiêu này quan trọng là làm sao để tra cứu lại dễ dàng ví dụ như sổ danh bạ điện thoại chẳng hạn.
- Ôn tập : Ghi lại để sau này ôn tập lại. Hãy làm sao để bạn ôn tập dễ dàng nhất. Ví dụ như ghi bút đỏ phần quan trọng, ghi chép các bài theo một cấu trúc nhất định để ôn tập cho nhanh.
Izawa có một phương pháp khá hay là phương pháp “ Sổ tay điểm yếu” . Khi làm đề thi mẫu, bài nào sai cậu ấy copy lại và dán vào cuốn sổ. Cuốn sổ đấy cậu ấy sẽ xem lại nhiều lần để khắc phục.
CÁCH LÀM BÀI TẬP CẦN SUY LUẬN
Izawa giải thích về thứ làm một bài tâp ứng dụng , bài tập không giống trong sách giáo khoa hoặc bài luận về một nội dung nào đó như cách chơi game thẻ bài ( board game – mỗi loại thẻ bài lại có những luật chơi nhất định. bạn cần nắm rõ luật chơi và những quân bài mình có để đưa ra chiến lược sắp xếp thứ tự các quân bài mình chơi )
- Xác nhận luật chơi ( đề bài )
- Xem xem mình có những thẻ bài nào
- Chọn những thẻ bài phù hợp
- Sắp xếp thứ tự thẻ bài và tiến hành chơi
KHI KHÔNG CÓ THỜI GIAN THÌ LÀM SAO?
Nội dung này không có trong sách mà trong bài viết về cậu ấy của tạp chí President. Mình sẽ dẫn link dưới cùng. Izawa từng ôn thi Finance Planner, khi đó cậu ấy chỉ có ít thời gian để học. Nếu được 60/100 điểm sẽ đỗ nên cậu ấy xác định mình sẽ bỏ đi 20% phạm vi, cố gắng ghi nhớ 100% cho 80 điểm còn lại. Kể cả khi làm được 90% thì số điểm là 90%x80 điểm= 72 điểm
Khi không có thời gian nữa, chỉ còn một vài ngày thì làm sao thì nhồi nhét cũng là một cách học . Cậu ấy sẽ dành cả ngày ôn tập với file excel. Về phương pháp học nhồi nhét đối phó kiểu này chắc mình sẽ tìm hiểu viết thêm sau.
Tên sách tham khảo
勉強大全
Link bài viết https://president.jp/articles/-/29564?page=2
30 tuổi, mình bắt đầu ghi danh online đi học lại. Mình gặp rất nhiều khó khăn với khả năng tập trung, dễ chán từ đó hiệu quả học ko tốt và bỏ cuộc giữa chừng. Bài này của bạn thật sự giúp mình trong việc lên kế hoạch cụ thể hơn cho việc học thay vì cứ cắm đầu vào học cho xong. Luôn thích và tâm đắc nồi dung blog của bạn. Cảm ơn!
Cám ơn bạn đã đọc bài của mình. Mình rất vui vì bài viết đã có ích cho bạn! Mong bạn nhiều sức khoẻ và thành công trên con đường học tập của mình nhé!
Cảm ơn chị đã chia sẻ , ngày nào em cũng vào blog của chị để đọc bài. Các bài viết của chị đơn giản, dễ hiểu và nhất là có ích đối với em. Chúc chị nhiều sức khỏe.
Cám ơn bạn rất nhiều, chúc bạn sức khỏe và nhiều may mắn trong cuộc sống!