Khi tới trường con sẽ được thầy cô dậy cho môn Toán, môn Xã hội, Lịch sử, Tiếng Anh… Những môn học này quan trọng với con lắm, nhưng có nhiều thứ cũng quan trọng như vậy. À không, quan trọng hơn nhiều.
Đó là những thứ con cần có để sống tốt trong xã hội hiện nay như 「Chân thật」, 「Tự chủ」, 「Kiên trì」và cả những điều tạo nên một trái tim nhân hậu như 「Coi trọng gia đình」, 「Đoàn kết」,「Nhân hậu」. Đây là những điều cơ bản nhất để con sống tự tin, mạnh mẽ từ nay về sau. Những điều này chính là 「7 thói quen」mà chúng ta sẽ học từ đây.
Hơi buồn một chút là hiện nay giáo dục trái tim không được thực hiện đầy đủ ở nhà trường mà con phải tự mình xây dựng rất nhiều. Để học được bảy thói quen này, con hãy nhớ con là lãnh của bản thân mình, con sẽ tự dẫn dắt và giúp con tự tin đứng vững trong cuộc sống.
Đây là cuốn sách của bác Stephen R.Covey. Bác ấy là giáo viên dạy về năng lực lãnh đạo ở Mỹ. Bác ấy đã đọc tất cả những cuốn sách viết về thành công được xuất bản sau năm 1776(năm Mỹ giành đôc lập) và tóm tắt nên cuốn sách này. Bác ấy đã phát hiện ra những cuốn sách xuất bản trong 150 năm đầu tiên sau khi độc lập và những cuốn sách xuất bản trong 50 năm gần đây có một điều khác nhau rất lớn về thành công. Đó là, trong 150 năm đầu tiên, người ta đề cao những yếu tố liên quan đến con người như Tính chân thật, Khiêm tốn, Kiềm chế, Dũng cảm, Tinh thần chính nghĩa, Nhẫn nại, Chăm chỉ…trong khi những cuốn sách gần đây lại tập trung về những kỹ thuật, hay những bí kíp xây dựng bề ngoài phù hợp với xã hội.
Convey đã tập trung vào những cuốn sách trong 150 năm đầu này. Lý do là vì với những bí kíp và kỹ thuật của 50 năm sau thì con người ta cũng khó có thể thành công hay giải quyết nhiều vấn đề một cách lâu dài được.
Ví như con muốn là bạn tốt của một bạn nào đó con phải đối đãi tử tế với bạn hằng ngày, em bé muốn biết đi cũng phải tập đi từ từ, bất cứ thứ gì con muốn thành công con đều phải tích lũy từng chút một.
Trong 7 thói quen ở đây, 3 thói quen đầu tiên giúp con tự lập, 3 thói quen tiếp theo giúp con học cách lãnh đạo và đoàn kết hiệp lực với người khác. Thói quen cuối cùng là thói quen giúp con không ngừng lớn lên bằng cách duy trì phát triển bản thân.
Cuốn sách này dạy con về những thói quen tốt , cách suy nghĩ và cách nhìn giống như một người lãnh đạo
Cuốn sách này giúp con có suy nghĩ riêng của chính bản thân con
Cuốn sách này giúp hiểu được suy nghĩ của bản thân con, chấp nhận những suy nghĩ của người khác, và sắp xếp lại suy nghĩ của chính mình
Hãy thực hành những điều con học được ở đây vào cuộc sống hằng ngày để mạnh mẽ con nhé!
1. Lãnh đạo là gì?
Bài tập 1: Nói chuyện với con, hỏi con có biết lãnh đạo là gì không? Hỏi con xung quanh con lãnh đạo là người như thế nào? Con đã bao giờ làm lãnh đạo chưa? Con có người như thế nào sẽ làm lãnh đạo hay không?
Con có hiểu lãnh đạo là gì không? Có lẽ con hiểu lãnh đạo là người chỉ huy, là lớp trưởng, là nhóm trưởng, là thầy hiệu trưởng … Tất cả những người đó đều là lãnh đạo, nhưng không chỉ thể đâu. Lãnh đạo không chỉ là tên gọi, mà có nhiệm vụ tập trung mọi người và chỉ đạo mỏi người nữa. Người lãnh đạo mà mọi người đều muốn hướng tới là người lãnh đạo có trách nhiệm với bản thân, biết mình làm được gì, biết người khác làm được gì và biết hiệp lực với mọi người để cùng nhau làm việc.
Lãnh đạo : Lãnh đạo của chính mình
Để làm được điều đó trước hết người lãnh đạo phải là ” Lãnh đạo của chính mình”. Ai cũng có thể làm lãnh đạo được, không cần năng lực đặc biệt. Đó là người biết những đặc điểm của chính mình, cố gắng tập trung làm hết sức những việc trước mắt, là người có thể nhìn thấy điểm tốt, điểm mạnh của người khác. Lãnh đạo là người có thể hợp tác làm việc với người khác, luôn xem xem mình có thể làm được gì để tiến hành. Đó là người lãnh đạo, do đó ai cũng có thể trở thành lãnh đạo được.
Bài tập 2: Kể cho con nghe 2 câu chuyện dưới đây
Câu chuyện 1: Bài Học Về Con Bọ Chét
Bọ chét là một côn trùng không có cánh, rất nhỏ chỉ có 1mm nhưng có thể có thể nhảy cao 20cm và xa 33 cm gấp 200 lần kích thước.
Trong cuộc thí nghiệm về “lập trình nhảy của Bọ Chét”, người ta đặt chúng vào trong một cái cốc với độ cao chỉ khoảng 5cm, với sức nhảy bình thường của Bọ Chét, chúng có thể nhảy qua miệng cốc với độ cao gấp 4 lần, tuy nhiên người ta đã đậy lên miệng cốc bằng một chiếc nắp để hạn chế độ cao của sức bật Bọ Chét, ban đầu Bọ chét liên tục đụng đầu với những cú “bốc”, nhưng dần dần chúng giảm xuống, và rồi đến một thời gian thì chúng tự điều chỉnh mình với những cú nhảy không “đụng trần” và thật ngạc nhiên, khi người ta bỏ chiếc nắp ra khỏi cốc thì bọ chét vẫn không thể nào nhảy ra khỏi miệng cốc dẫu độ cao đó chỉ bằng 1/5 độ cao mà bọ chét có thể đạt được, nó cứ nhảy liên tục với những thành tích “5cm kém” và cuối cùng Bọ Chét chết trong chiếc cốc một cách “khó hiểu”
Câu chuyện 2: Con Voi Và Sợi Dây Thừng
Một người đàn ông đi qua chỗ đàn voi đang đứng. Bất chợt ông dừng lại, ngạc nhiên khi thấy những con voi to lớn này chỉ bị cầm giữ bởi một sợi dây thừng rất nhỏ buộc phía chân trước. Không hề có xích sắt, cũng chẳng có chuồng giam. Có thể thấy rõ, hiển nhiên, lũ voi có đủ khả năng để dứt đứt dây, chạy đi bất cứ lúc nào. Nhưng không hiểu vì sao, lũ voi vẫn chưa làm vậy.
Người đàn ông trông thấy người quản tượng đứng gần đó. Ông hỏi anh ta tại sao lũ voi cứ đứng yên vậy mà không hề có vẻ muốn tháo chạy.
– Ồ, người quản tượng đáp, “khi chúng còn nhỏ, chúng bé hơn thế này rất nhiều, chúng tôi vẫn dùng loại dây thừng cỡ đó để buộc chúng lại. Ở độ tuổi đó, dây như vậy là đủ giữ chúng rồi. Nhưng khi đã lớn hơn, chúng vẫn tin mình không thể dứt nổi những sợi dây thừng này. Chúng cho rằng, sợi dây thừng ngày xưa vẫn có thể giữ chúng được, thế là chẳng bao giờ chúng có ý nghĩ dứt bỏ dây và chạy đi”.
Hỏi con xem hai câu chuyện này có điểm chung là gì?
Giải thích cho con hiểu rằng, con bọ chét và con voi đều tự nghĩ chúng không thể nhảy ra khỏi chiếc cốc hoặc không thể dứt nổi sợi dây mặc dù chúng có thể làm. Con có khi nào nghĩ rằng con không học được toán, con không thể nhảy cao… Có khi nào đó chỉ là suy nghĩ hay không ?
Con đã biết lãnh đạo là gì, con có nghĩ con không trở thành lãnh đạo được không? Đó chỉ là suy nghĩ, cách nhìn, sự lầm tưởng của con chứ không phải là năng lực thực sự của con. Chúng ta gọi đó là Mô thức. Mô thức là cách nhìn, cách suy nghĩ của con, mô thức sẽ quyết định hành động của con giống như con voi và con bọ chét.
Mô thức : Cách nhìn và cách suy nghĩ của con về sự vật sự việc, con người
2. Mô thức và thói quen là gì ?
Mô thức : Cách nhìn, cách suy nghĩ,nhận thức, lầm tưởng, quan niệm, thế giới quan…về một sự vật sự việc con người nào đó. Từ Mô thức là một từ rất khó nhưng con hãy đọc to nhiều lần từ này để ghi nhớ.
Ví dụ có một người nghĩ mình vô dụng. Đó ban đầu chỉ là lầm tưởng của anh ta về bản thân mà thôi. Sau đó vì anh ta nghĩ như vậy nên anh ta không chú tâm làm việc, chỉ thích lười nhác, uể oải ăn no nằm khèo cả ngày…Kết quả là anh ta không có tiến bộ , không biết làm gì và trở thành một người vô dụng thực sự. Đó là tác hại của một mô thức sai lầm. Con có tưởng tượng ra được không?
Bài tập 3: Con hãy điền vào chỗ trống sau đây
Con người tạo ra….., …..tạo ra con người. Con hãy có những ….. tốt.
Chữ này bắt đầu bằng chữ T, con đoán xem.
Đáp án là : Thói quen.
Thói quen là những việc con thực hiện hằng ngày như đánh răng rửa mặt thay quần áo. Cuộc sống của con hầu hết được xây dựng từ các thói quen.Khi bước ra khỏi nhà con bước chân trái hay chân phải, khi đi tất con đi từ bên nào trước? Con có suy nghĩ gì khi thực hiện không?
Khi thực hiện thói quen con không cần phải tự suy nghĩ nhiều mà có thể thực hiện được dễ dàng. Để trở thành lãnh đạo của bản thân , con cần tự nhìn thấy bây giờ con đang có những thói quen nào?
Bài tập 4: Con hãy nhớ lại một ngày của mình từ sáng tới lúc đi ngủ. Xem xem mình có những thói quen nào, hãy viết ra hai loại Thói quen xấu và Thói quen Tốt. Nếu có thời gian con và cha hoặc mẹ cùng nhau xem xem những thói quen đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới con nhé.
Ví dụ:
Xem ti vi nhiều giờ : Dẫn đến mỏi mắt, đầu óc và cơ thể cũng mệt mỏi.
Con có biết đặc điểm của thói quen xấu và thói quen tốt thế nào không ?
Thói quen xấu:
– Không cần suy nghĩ cũng sẽ xây dựng được thói quen xấu
– Không cần nỗ lực
– Càng ngày càng đi về hướng xấu hơn
Thói quen tốt:
– Không suy nghĩ không xây dựng được
– Cần nỗ lực
– Có nỗ lực và suy nghĩ nhiều khi cũng không xây dựng được…
Xây dựng thói quen tốt là một điều khó khăn nên hãy cố gìn giữ những thói quen tốt của mình.
Bài tập 5: Con hãy xem mình có bao nhiêu đặc điểm ở dưới đây nhé
- Hay đổ lỗi cho người khác
- Làm việc không có suy nghĩ, không có mục đích, hay gặp thất bại
- Những việc quan trọng hay để về sau
- Hay phê bình, chỉ trích người khác
- Không nghe người khác nói
- Không hiệp lực với người kahcs
- Không nỗ lực học hành, tập thể dục, đọc sách hay thân thiện với bạn bè
Những đặc điểm này không quan hệ tuổi tác, cả người lớn và trẻ em đều có rất nhiều. Đây là những thói quen xấu phổ biến, chúng ta sẽ cùng học về 7 thói quen để khắc phục những điều trên nhé. Đây là những thói quen dành cho tất cả chúng ta, cả con và cha mẹ. Ai ai cũng cần rèn luyện hết cả.
Bảy thói quen để trở thành người lãnh đạo
- Hành động bằng suy nghĩ của chính mình. Có trách nhiệm với bản thân.
- Quyết định mục tiêu trước khi bắt đầu. Nghĩ xem điều gì là quan trọng.
- Bắt đầu từ việc quan trọng trước tiên. Giữ lời hứa với chính bản thân mình.
- Nghĩ theo cách ” cùng thắng”. Tất cả mọi người đều vui vẻ hạnh phúc.
- Cố gắng hiểu bạn trước khi mong bạn hiểu mình. Chúng ta cùng hiểu nhau.
- Hiệp lực với bạn. Cùng suy nghĩ cùng hành động sẽ đạt nhiều kết quả tốt.
- Rèn luyện bản thân để không ngừng tốt lên.
Chúng ta bắt đầu học từng thói quen từ đây nhé!
3. Thói quen đầu tiên
Hành động bằng suy nghĩ của chính mình. Có trách nhiệm với bản thân.
Con hãy nhìn vào cây thói quen ở dưới đây. Thói quen đầu tiên nằm ở phần rễ của cái cây nên nó là thói quen quan trọng nhất.
Bài tập 6:
Con đã từng nói những điều dưới đây hay chưa?
- Mẹ nói nhiều quá. Con biết rồi mẹ đừng nói nữa !
- Con không làm được đâu ! Mẹ đừng ép con làm.
- Cô giáo lúc nào cũng mắng con, chỉ toàn là con thôi!
- Con sinh ra đã thế rồi, không thay đổi được
- Mẹ mặc kệ con đi !
- Tại trời mưa nên con mới đi muộn chứ con có muốn thế đâu!
Con đã từng hành động như thế này chưa?
- Cáu ngay lập tức khi bị góp ý
- Con có thể làm ngay, nhưng con không làm mà lề mề không làm, cuối cùng không làm luôn
- Con có thể dọn dẹp cẩn thận, nhưng con chỉ làm qua loa cho xong
Khi mẹ nói con ” Con đi học bài đi !” . Đây là một tác động đến con. Có thể con đang xem ti vi đến đoạn hay, con nhăn nhó quay sang mẹ và nói to : ” Con xem hết phim này đã !” . Trong lòng con bực bội vì mẹ giục đi giục lại bao lần.
Con sẽ chịu nhiều tác động như vậy từ bạn bè, thầy cô, cha mẹ, thậm chí cả những thứ vô tri như đôi giày, cái xe đạp… Những tác động này dẫn tới phản ứng của con như trong hình dưới đây.
Con thử nắm hai bàn tay lại với nhau như hình xem sao, các khớp ngón tay khít nhau như tác động và phản ứng vậy. Khi con chịu tác động từ tay trái, nó sẽ đem đến một phản ứng bên tay phải trùng khít với nó. Con phản ứng mà không cần suy nghĩ, điều này trái với thói quen đầu tiên:
” Hành động bằng suy nghĩ của chính mình “. Vậy làm thế nào để tác động không đem đến phải ứng như vậy ? Chúng ta cần đặt một ” Khoảng trống” giữa hai tay cũng là khoảng trống giữa ” Tác động” và ” Phản ứng ”
Con hãy tưởng tượng khoảng trống này giống như nút ” Dừng lại! ” trên bảng điều khiển vậy. Con hãy luôn giữ một nút bấm ” Dừng lại!” trong đầu. Đừng để ” Phản ứng” điều khiển hành động của con. Khi nhận tác động, đầu tiên con hãy bấm nút ” Dừng lại “, khi đó con sẽ tự có suy nghĩ về tác động đó. Ví dụ khi mẹ nhắc con đi học, con không hét lên ngay con muốn xem ti vi nữa mà hãy bấm dừng lại. Con sẽ nghĩ ra là bài học sáng mai con phải nộp cô mà giờ con chưa làm. Con nghĩ ra là mình có thể nhờ mẹ ghi lại phim để học xong xem tiếp…Đó là cách con hành động bằng suy nghĩ của mình chứ không phải bằng “Phản ứng” .
Mẹ và bố cũng hay hành động bằng ” Phản ứng” như vậy, nếu con thấy bố mẹ như thế, con hãy bấm nút cho bố mẹ với nhé !
Nút bấm ” Dừng lại” sẽ giúp con hành động bằng suy nghĩ của mình.
Bài tập 7:
Con hãy xem qua những sự vật sự việc dưới đây từ số 1 – 9. Sau đó con vẽ hai vòng tròn như hình vẽ. Vòng bên trong con ghi số của những mục con có thể điều khiển hoặc thay đổi nó. Phần giữa vòng trong và vòng ngoài con ghi số của những mục con không thể thay đổi. Con có thể vừa nói chuyện với bố mẹ vừa làm cũng được.
- Thời tiết
- Thời gian thức dậy
- Làm gì sau khi về nhà
- Thái độ của bạn bè
- Kết quả trận bóng
- Quần áo con mặc
- Những thất bại trong quá khứ
- Biểu hiện, hành vi của cô giáo
- Thời gian đi ngủ
Khi con đã chia xong rồi, hãy nói chuyện với mẹ xem mình chia có đúng không nhé. Ví dụ thời tiết là nằm ở vòng ngoài, còn thời gian con thức dậy nằm ở vòng trong.
Vậy là chúng ta có 2 vòng tròn được đặt tên như dưới đây.
- Vòng tròn ảnh hưởng: Là vòng tròn bên trong, nơi con có thể điều khiển hoặc thay đổi đến nó – nghĩa là con có ảnh hưởng tới những việc nằm trong vòng tròn này.
- Vòng tròn quan tâm: Đây là vòng tròn lớn hơn, nó bao gồm cả vòng tròn ảnh hưởng, là tất cả những việc mà con quan tâm tới.
Nhưng con có thấy không, trong vòng tròn quan tâm có những việc con có thể làm, nhưng có những việc con không thể nào thay đổi. Ví dụ con muốn đi đá bóng mà trời mưa. Trời mưa là sự việc con không thể thay đổi nhưng nó khiến con bực bội khó chịu cả ngày.
Còn một điều quan trọng nữa, khi con cứ chú tâm vào những việc con không thay đổi được thì phần này sẽ lớn dần lên, khiến vòng tròn ảnh hưởng của con nhỏ lại. Khi con chú ý vào vòng tròn ảnh hưởng thì vòng tròn này sẽ lớn dần lên, những việc con có thể làm sẽ tăng dần và những việc con không điều khiển được sẽ ít lại như trong hình.
Ví dụ như trời mưa con đi học muộn, nếu con cứ quan tâm tới trời mưa mà bực mình, việc chuẩn bị đi học của con sẽ chậm lại và con sẽ bị muộn hơn. Nhưng nếu con chú tâm vào việc con đã muộn rồi, con sẽ cố gắng làm nhanh hơn và đi học sớm hơn.
Đây là thói quen đầu tiên của con. Hãy cố gắng thực hành bằng 2 cách:
- Học cách bấm nút ” Dừng lại ” khi có tác động. Con bấm nút cho cả bố và mẹ nữa nhé! Sau khi bấm nút dừng lại hãy tự suy nghĩ và hành động bằng suy nghĩ đó.
- Học cách suy nghĩ xem việc xung quanh con là việc con có thể thay đổi hay không. Hãy chú ý vào những việc con có thể thay đổi để thực hiện nó nhé.