Kazuyo Katsuma là một tác giả đặc biệt nhất viết về dọn dẹp nhà cửa trong những cuốn sách mình đã đọc qua. Những tác giả viết về dọn dẹp thường là những người làm công việc liên quan tới dọn dẹp, hoặc là nội trợ chuyên nghiệp, còn cô viết sách dọn dẹp dưới tư cách là một doanh nhân thành đạt. Cô tốt nghiệp Trường Đại học Keio và thạc sĩ tài chính đại học Waseda, đều là hai trường nổi tiếng hàng đầu tại Nhật. Sau đó, cô làm nhà phân tích cho một số công ty tư vấn quốc tế và ngân hàng như McKinsey và JPMorgan Chase, Chase Bank, Arthur and Andersen & Co. Cô được vinh danh trong danh sách “The 50 Women to Watch 2005” by The Wall Street Journal với hạng mục “Advocates”, là hạng mục những người phụ nữ đóng góp nhiều trong việc cải thiện cuộc sống của các phụ nữ khác.
Những cuốn sách cô viết ra thường được đánh giá rất cao, với số lượng bán ra hàng chục triệu bản. Cô viết chủ yếu về quản lý bản thân, cân bằng cuộc sống công việc, bình đẳng giới và làm thế nào phụ nữ có thể trở nên thành công hơn. Cô tập trung đặc biệt vào việc tối ưu hóa các quá trình suy nghĩ và tăng năng suất. Mình xin giới thiệu một số nội dung cô đã chia sẻ mà mình cảm thấy rất ấn tượng và tâm đắc dưới đây.
1. Làm thế nào để tăng thời gian cá thân mỗi ngày?
Hãy giới hạn thời-gian-thụ-động của bạn dưới 30 phút mỗi ngày. Thời-gian-thụ-động là gì? Ví dụ như thời gian bạn xem tivi hay xem phim, một bộ phim đã mất tới 2 tiếng rồi. Tại sao lại cần giới hạn thời-gian-thụ-động? Vì thời-gian-thụ-động trôi qua một cách bị động, bạn không dùng ý chí để duy trì nên bạn không có cảm giác, khi để ý thì đã mất hàng tiếng đồng hồ.
Trái ngược với thời gian động là thời-gian-chủ-động. Thời-gian-chủ-động, ví dụ như thời gian tập thể dục, học bài, đọc sách… là khoảng thời gian màbản thân mình phải chủ động sử dụng cơ thể, đầu óc để duy trì hoạt động. Hãy đưa khái niệm thời-gian-chủ-động và thời-gian-thụ-động vào trong các hoạt động hằng ngày của bạn. 30 phút mỗi ngày làm sao mà đủ cho thời gian thụ động? Hãy kết hợp thời gian thụ động và thời gian chủ động cùng lúc. Ví dụ lúc đang nấu ăn thì kết hợp nghe youtube giải trí, hay lúc xem phim thì kết hợp dọn nhà hoặc tập thể dục…
Luôn có ý thức giảm thời gian thụ động thì thời gian chủ động sẽ tăng lên. Khi có nhiều thời gian chủ động trong ngày, cơ thể và đầu óc sẽ nhanh mệt hơn, giấc ngủ sẽ ngon hơn. Ngay cả giấc ngủ, hãy ngủ một cách chủ động, đừng thời gian thụ động như nằm lướt web trên giường ru ngủ bạn thêm nữa. Hãy dùng trục thời gian chủ động để quản lý thời gian các hoạt động trong ngày. Với khoảng thời gian thụ động, hãy dùng đồng hồ hẹn giờ, báo thức…để báo cho bạn biết giới hạn thời gian thụ động đã tới và dừng lại. Chỉ cần làm được điều này thôi bạn sẽ thấy thời gian của bạn tăng lên rất nhiều.
2. Làm sao để dọn nhà mà không bị bừa bộn trở lại?
Q: Tại sao dọn nhà gọn gàng xong mà nhà lại bừa bộn trở lại?
A: Đó là vì tốc độ dọn dẹp chậm hơn hơn tốc độ bày bừa ra nhà. Việc dọn dẹp trong nhà cũng giống như việc thu chi, mỗi ngày lỗ một ít gom lại sẽ ra trạng thái bừa bộn của căn nhà. Ăn kiêng cũng thế, quyết tâm giảm thật nhanh sau đó lại ăn nhiều hơn mức cơ thể cần thiết thì phần lỗ mỗi ngày đó tích lại khiến ta trở lại cân nặng ban đầu.
Q: Dọn dẹp nhà cửa làm sao để không lỗ mỗi ngày?
A: Làm sao để không cần cố gắng cũng duy trì được tình trạng đó mỗi ngày. Ví dụ bát đĩa để trong tủ, có nhiều đĩa quá để chồng lên nhau, mỗi lần lấy ra cất vào đều mất thời gian. Giảm số lượng bát đĩa lại, không xếp chồng chất lên nhau, xếp đứng lên để lấy ra cất vào đều gom lại trong một động tác. Giảm lượng đồ đạc và giảm số thao tác, công sức cho việc lấy, cất đồ cho từng món trong nhà dần dần sẽ gọn gàng được. Đặc biệt khi mua đồ mới tôi thường hình dung ra mình sẽ phải dọn dẹp nó như thế nào, nếu cảm thấy vất vả hay mất thời gian tôi sẽ không mua.
Tóm lại là để dọn nhà mà không bị quay lại bừa bộn, hãy thay đổi chiến thuật từ ngắn hạn sang dài hạn. Thay vì tập trung cố gắng ngắn hạn như dọn nhà đón Tết, hãy hệ thống lại đồ đạc trong nhà để không cần cố gắng mỗi ngày, đừng để bạn bị lỗ mỗi ngày trong thu chi dọn dẹp.
3. Làm việc nhà có giúp bạn hạnh phúc hơn hay không?
Tôi biết đến cảm giác hạnh phúc này hơi muộn, tận năm 40 tuổi mới hiểu được. Trước đó tôi nghĩ là việc nhà là những việc để duy trì cuộc sống, nấu ăn, dọn nhà, giặt đồ chỉ cần duy trì ở mức tối thiểu là được, nếu có thời gian thì để học và làm việc. Tới 40 tuổi khi tôi thử dành thời gian dọn nhà sạch sẽ, nấu ăn ngon hơn thì bỗng nhiên tôi cảm giác hạnh phúc hơn nhiều những năm trước đó. Nếu cố gắng trong công việc chúng ta sẽ được thăng tiến trong công ty, tiền lương tăng lên…Nhưng việc đó mang đến bao nhiêu hạnh phúc mỗi ngày cho chúng ta? Thức dậy trong một căn phòng gọn gàng, mở cửa đón ánh sáng ban mai, ăn sáng không vội vàng, dành thời gian cho vật nuôi và gia đình…mới là những thứ trực tiếp đem đến hạnh phúc cho chúng ta. Đừng nghĩ công việc là chính thì những stress từ công việc cũng giảm đi và hiệu suất làm việc cũng tăng lên. Khi bạn cố gắng làm việc, làm thêm nhiều rồi thời gian làm việc nhà không có, nhà cửa bừa bộn, ăn đại, ngủ ít thì bản thân và gia đình đều không được nạp lại năng lượng. Thiếu năng lượng thì hiệu suất công việc giảm lại phải làm thêm nhiều hơn… Bạn cứ thử dọn nhà gọn gàng, hệ thống lại công việc nhà để không cần nỗ lực dọn nhà mỗi ngày xem. Công việc có ổn hay không không còn quan trọng như trước nữa. Chỉ cần về nhà là thấy hạnh phúc. Ngôi nhà là trạm sạc điện của bạn. Ở nhà trong một không gian thoải mái, dễ chịu, cảm xúc của bạn và gia đình được làm đầy cho ngày tiếp theo.
Đừng để mức ưu tiên của việc nhà dưới công việc của bạn. Hãy để việc nhà ngang hàng hoặc hơn công việc, mỗi ngày của bạn sẽ khác đi rất nhiều đấy.
Nếu các bạn thích bài viết kiểu này thì comment, like hoặc share cho mình biết để mình chia sẻ thêm nhé!
Bài viết rất hay, cảm ơn bạn! Bạn chia sẻ thêm nhé!
Cám ơn bạn rất nhiều, mình sẽ dành thời gian viết thêm!
Nội dung rất hay! Mình mong bạn viết thêm bài dựa trên những học hỏi từ tác giả KATSUMA KAZUO.
Cám ơn bạn rất nhiều, mình cũng rất thích tác giả này mà hơi ít bạn để ý. Cám ơn bạn đã góp ý mình sẽ gom lại những kiến thức từ cô ấy để viết bài chia sẻ thêm.
Chị ơi lâu không thấy chị viết bài. Chị viết tiếp đi nhé. Những bài viết của chị rất hay và hữu ích