Có những chuyện chỉ nghĩ đến thôi chúng ta đã tin rằng không ai có thể làm được. Đó là câu chuyện về cô Yoshida Honami.
Cô xuất phát là một y tá cho một bệnh viện phụ sản ở Ginza, Tokyo. Ngành y là một ngành thiếu nhân sự nhất tại Nhật, cả bác sĩ và y tá đều phải làm ngoài giờ rất nhiều. Vừa đi làm vừa chăm các con đã là một thử thách rất lớn. Vậy mà cô đã vừa chăm ba con nhỏ, vừa ôn thi Harvard, sau đó dẫn ba con sang Mỹ, một bé 2 tuổi, 1 bé 1 tuổi, một bé 1 tháng tuổi. Trong thời gian học ở Harvard cô có bầu và sinh con thứ tư. Vừa học vừa chăm con và tốt nghiệp xuất sắc trở về. Hiện tại cô làm chủ nhiệm khoa nghiên cứu sức khỏe cuộc sống tại viện Khoa học y tế quốc gia, đồng thời là giảng viên tại đại học Phúc lợi Kanazawa. Hạnh phúc cá nhân viên mãn trong công việc và gia đình với phu quân và năm người con của mình.

Cô viết một cuốn sách nói về những suy nghĩ giúp mình thực hiện điều đó, nội dung cuốn sách mình tóm tắt lại ở dưới đây.
0. Giới thiệu
Tôi rất thích trẻ em, tôi muốn có một gia đình thật nhiều con. Nhưng sau khi có con, thời gian của tôi không còn nữa. Tôi làm việc ở Tokyo nhưng nhà lại ở Ibaraki, mất 3 tiếng đi tàu mỗi ngày. Buổi sáng tôi ra ra khỏi nhà lúc 8h, buổi chiều tôi kết thúc công việc lúc 5h, chạy như bay tới ga tàu để kịp đón con trước 6h30. Tôi không thể trực đêm, không thể đi học thêm để nâng cao kinh nghiệm. Đánh giá thành tích của tôi cứ vậy mà đi xuống mỗi ngày. Rồi con gái thứ hai của tôi bị xuyễn nhi, cháu bị rất nặng, phải nhập viện thường xuyên. Mỗi lần nhập viện tới 10 ngày, tôi đều phải túc trực bên con. Tôi đã cố gắng mỗi ngày, công việc ở viện cũng gắng sức, việc nhà cũng gắng sức mà mọi thứ không đi tới đâu. Nếu cứ kéo dài mãi như thế này tôi sẽ không bao giờ thay đổi, tôi cần phải thay đổi, cần phải thay đổi bản thân mình, ý chí mãnh liệt của tôi sinh ra từ lúc đó.
Tôi là một người rất yên vị, ít khi ganh đua trong công việc và cuộc sống nên khi có cảm xúc đó tôi biết rằng mình không được bỏ phí cảm xúc này. Có thể mình không có thời gian, nhưng mình có ý chí. Cần phải bắt đầu một điều gì đó ngay lập tức. 【Không có thời gian】là một bức tường lớn trước mắt, nhưng nó cũng chính là cánh cửa để tôi tìm cách mở ra sang một trang mới của cuộc đời mình.
1. Làm đồng thời tất cả những điều mình muốn.
Tôi muốn học tập để nâng cao kỹ năng trong công việc của mình, tôi muốn có thật nhiều con, tôi muốn làm việc nghiêm túc. Tất cả những điều này tôi không thể bỏ được cái nào, và cũng không thể sắp xếp thứ tự ưu tiên để thực hiện từng thứ một. Đặc biệt là mong muốn có nhiều con tôi không thể đợi thời gian được. Tôi chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất: Làm đồng thời tất cả.
Làm đồng thời tất cả thường bị nghĩ là ôm đồm, nhưng đối với tôi, tôi nghĩ nếu tôi không thực hiện đồng thời có lẽ tôi sẽ không bao giờ làm được. Khi làm đồng thời tất cả mọi việc tôi sẽ có cảm xúc mạnh mẽ giúp tôi thực hiện mọi việc tôi cần làm. Các công việc cần làm cũng kết nối và giúp đỡ lẫn nhau. Ví dụ như việc học tập của tôi sẽ giúp tôi nâng cao kỹ năng trong công việc, việc chăm sóc con giúp tôi cố gắng nấu ăn đầy đủ để duy trì sức khỏe tốt hơn, và việc tôi cố gắng học mỗi ngày các con tôi nhìn vào là cũng tự đọc sách và học theo mẹ. Những việc tôi làm hằng ngày có việc tôi phải làm và có việc tôi thích làm, những việc tôi thích làm giúp tôi giải tỏa tâm lý cho những việc phải làm.
Nếu có kinh nghiệm chăm con, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác thời gian bị chia nhỏ. Con còn nhỏ thì vài tiếng một lần phải cho con ăn. Rồi con tắm, vệ sinh…thời gian trong ngày bị chia nhỏ ra thành nhiều mảnh. Vì vậy tôi quyết định không chia rõ ràng công tư trong thời gian. Lúc tôi đang làm việc, buổi trưa tôi sẽ tranh thủ làm giấy tờ cho nhà, lúc đang làm việc nhà tôi có thể nghĩ về công việc hoặc tranh thủ vừa học vừa làm. Tôi không chấp nhận, tôi đón nhận sự hỗn độn trong cuộc sống.
Vội vàng ôm áo ra đi,
Khi đi không thẹn bằng khi trở về.
Sự vội vàng thường bị chê trách nhưng tôi đón nhận cả quyết định vội vàng của chính mình. Tôi đã đọc một câu nói thế này:
There is not the information that enough to begin something. Anyway, let’s begin it!
Không bao giờ có đủ thông tin để bắt đầu một điều gì đó. Chỉ là bắt đầu mà thôi!
Tôi chỉ có sáu tháng để học ôn thi, nhưng vì nắm rõ được thời gian học, hạn thi cử mà áp lực học tập của tôi lớn vô cùng. Thời gian tôi học giống như những phút gấp rút cuối cùng trong một kỳ kiểm tra, nếu không trải qua tôi sẽ không thể tin được mình có những lúc tập trung đến mức như vậy.
Xã hội Nhật bản coi trọng sự khách quan trong suy nghĩ, nhưng tôi hướng suy nghĩ của mình tới suy nghĩ chủ quan, tôi tự đeo mắt kính màu hồng, gắn cho mình một sự tự tin dù phi lý. Đây là điều tôi học từ bộ phim Dragon Sakura( Các bạn có thể xem bộ phim này trên Youtube nhé). Ngoài ra có một phim khác của Nhật cũng nói về chuyện học hành, đó là phim Cô nàng hạng chót, nói về một cô bạn học dốt ôn thi trong một năm rưỡi để đỗ vào trường đại học Keio, ngôi trường hàng đầu Nhật bản. Đây là một bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật. Trong phim này cô bạn này cũng có một sự tự tin phi lý như vậy. Trong bài test đánh giá trình độ, trình độ của cô là lớp 4 tiểu học, vậy mà cô vẫn tin rằng cô sẽ đỗ và đi nói với tất cả mọi người cô sẽ học đại học Keio.
Tôi dựa vào những dấu hiệu nhỏ xíu để duy trì sự tự tin này của mình. Ví dụ như khi gửi hồ sơ từ Nhật qua Mỹ, có nhiều thủ tục khiến tôi loay hoay mãi mà không thể gửi được, sau đó có người hướng dẫn và tôi đã gửi được bình thường. Một điều giản đơn này thôi tôi cũng cho là dấu hiệu của việc tôi sẽ đỗ vào Harvard! Tôi cũng đã trực tiếp đi tới đại học Harvard, cảm nhận mục tiêu của tôi bằng ngũ quan, tôi đi cùng bạn tôi đang học ở trường đó, hỏi về ký túc xá, hỏi về sinh hoạt ở trường giống như tôi chắc chắn sẽ nhập học vậy.
Cũng trong cùng bộ phim Cô nàng hạng chót ở trên, khi rơi vào thời kỳ tuyệt vọng vì không đuổi kịp chương trình, cô bạn ấy cũng bắt tàu lên tận trường đại học cùng mẹ. Ngắm nhìn quang cảnh trường và các anh chị học trong trường, khi mẹ nói chụp ảnh kỷ niệm, cô đã bảo: “Mẹ đợi con nhé, khi con nhập học chúng ta sẽ chụp hình”
2. Nâng cao Nồng-độ-thời-gian bằng những quy tắc riêng mình
“Don’t say you don’t have enough time. You have exactly the same number of hours per day that were given to Helen Keller, Pasteur, Michelangelo, Mother Teresa, Leonardo da Vinci, Thomas Jefferson, and Albert Einstein.”
―
Đừng nói bạn không có đủ thời gian. Bạn có lượng thời gian mỗi ngày bằng chính xác với lượng thời gian của Helen Keller, Pasteur, Michelangelo, Mother Teresa, Leonardo da Vinci, Thomas Jefferson, and Albert Einstein.”
Đây là một câu nói nữa ảnh hưởng tới tôi rất nhiều. Tôi không tập trung vào tiết kiệm thời gian hay quản lý thời gian, tôi tập trung vào nâng cao hiệu suất của từng một phút, hai phút trong ngày. Có rất nhiều một phút, hai phút như vậy trong ngày, tôi tận dụng từng phút để gom tác dụng của chúng lại. Ví dụ một phút khi làm bài thi khác hẳn một phút bạn lướt web, nồng độ thời gian khác hẳn nhau. Nhưng tôi đặt ra tiêu chuẩn cố gắng là: Vẫn còn sức lực và vẫn có thể mỉm cười. Tôi có thể lỡ ngủ một ngày 10 tiếng, tôi có thể chat với bạn cả tiếng đồng hồ, nhưng đó là những nguồn lực tiếp sức cho tôi của những ngày sau.
Nâng cao giá trị thời gian trong ngày
Con người ta không phải cái máy, không phải cứ nâng cao hiệu suất làm việc là được. Đối với tôi, điểm quan trọng nhất trong quản lý thời gian là nâng cao giá trị thời gian. Ví dụ ngày cuối tuần không xếp lịch kín quá để nghỉ ngơi để nâng cao giá trị thời gian của những ngày sau. Hay như trong ngày tôi chỉ có 4 tiếng cùng con là từ 6h sáng tới 8h sáng, 6h chiều tới 8h tối. Tổng cộng chỉ có 4 tiếng, 4 tiếng này tôi tập trung dành mọi sự quan tâm tới con. Thay vì dùng trục hiệu suất, tôi dùng trục giá trị để sử dụng thời gian trong ngày. Nâng cao hiệu suất thời gian một phút, rồi một năm, điều đó sẽ thay đổi cuộc đời bạn.
Tôi thay đổi lịch hằng ngày của mình khi bắt đầu quyết định sẽ đi du học. Bình thường tôi dậy từ 5h45, đi ngủ lúc 11h30, khi quyết định đi học tôi chuyển lịch sang dậy lúc 3h sáng và đi ngủ lúc 8h30. Tôi có thêm 3 tiếng từ 3h-6h sáng cho riêng mình, đây là thời gian tôi tập trung học được tốt nhất trong ngày. Sau đó trên tàu đi làm lúc đi và lúc về cũng là thời gian tôi học thêm.
Nhờ người khác giúp đỡ
Dù có dậy từ 3h sáng, nhưng lượng công việc tôi làm không thay đổi. Trước đây buổi tối tôi hay dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ phơi đồ, chuẩn bị đồ ăn sáng hôm sau khi con đi ngủ. Bây giờ tôi đi ngủ sớm thì những công việc đó không làm được nữa. Tôi quyết định thuê người giúp việc theo giờ. Tổng lượng công việc không giảm đi thì không thể nào có thêm thời gian. Tôi thuê người giúp việc 2 ngày cuối tuần để giúp tôi làm một số việc nhà và nấu ăn các món chính cho tuần sau. Chồng tôi cũng chia sẻ công việc cho tôi hơn, anh ấy rửa chén sau khi ăn, giặt đồ, vứt rác, lau chùi phòng tắm, ghi sổ liên lạc cho con.
Thay đổi suy nghĩ để giảm lượng công việc cần làm
Ngoài ra tôi nhận ra nhiều thường thức trong cuộc sống chính khiến tôi mất mát rất nhiều thời gian. Ví dụ như khi tôi sinh con thứ hai ở Đức, bác sĩ có dặn tôi chỉ cần tắm cho con 3 ngày một lần, nhưng ở Nhật thì bác sĩ dặn ngày nào cũng phải tắm. Nếu là mùa hè nóng ẩm thì cần tắm mỗi ngày thật, nhưng mùa đông khô như ở Đức thì đúng là 3 ngày tắm cho bé một lần cũng không sao. Hay những thường thức trong xã hội Nhật như ngâm bồn tắm mỗi ngày, hút bụi mỗi ngày, nấu ăn mỗi ngày…tôi đều đặt ra tiêu chuẩn mới cho mình hết. Tôi không yêu cầu sự hoàn hảo nữa mà hài lòng với số điểm trung bình (trung bình trong mắt người khác thôi, đối với tôi đó là điểm tối đa!). Tôi đón nhận sự dở dang, ví dụ như khi có một buổi học online từ 7h30 tới 9h tối, tôi chỉ tham 1 tiếng đầu, sau đó thì tôi đi ngủ. Đó là điều tốt nhất tôi có thể làm trong khả năng của mình, tôi đón nhận sự dang dở trong việc làm của mình như thế.
Luôn biết ơn những người giúp đỡ mình
Có một điều, tôi không tiếc thời gian để chăm sóc cảm xúc cho người thân và những người đã giúp đỡ tôi trong thời gian này. Tôi có một cuốn sổ tay trao đổi với người giúp việc theo giờ, tôi, chồng và các con sẽ ghi lời cám ơn, hay nhờ cô làm món này món kia giống như những người thân trong gia đình, dù không có thời gian để nói chuyện với cô nhưng mỗi ngày chúng tôi đều trao đổi với nhau như vậy. Với chồng tôi cũng vậy, tôi rất may mắn khi chồng tôi hiểu cho mong muốn của tôi và luôn cố gắng cho anh biết tôi biết ơn anh rất nhiều.
Năm 2011, khi vừa sinh bé thứ 4 một thời gian thì Nhật Bản có trận động đất Tohoku lịch sử. Cả vùng đông bắc Nhật chìm trong thiên tai. Cô là một trong số rất ít bác sĩ sản khoa tham gia tình nguyện tại Tohoku để hỗ trợ sản phụ vùng này. Sau đó cô thành lập một nhóm tình nguyện viên có khoảng 15 bác sĩ sản khoa để cùng nhau hỗ trợ y tế vùng thiên tai suốt thời gian dài sau đó. Cô luôn tâm niệm chính người đi giúp đỡ người khác là người hạnh phúc. Vì suy nghĩ như vậy nên cô không ngại nhờ vả người khác giúp đỡ mình, thay vào đó cô thể hiện lòng biết ơn rất chân thành tới người đó.
3. Hãy hiểu cho Thời gian
Không bỏ lỡ những bước đi nhỏ
Khi tôi đang học ôn là lúc con gái thứ hai của tôi còn ẵm ngửa, con gái lớn của tôi thì có thể tự chơi được rồi. Cuối tuần để vừa có thời gian bên gia đình vừa có thể học được tôi chọn thư viện làm điểm đến cho cả gia đình. Chồng và con tôi sẽ cùng đọc sách, tôi vừa bế con nhỏ vừa làm bài tập ở góc học thêm. Con còn nhỏ nên thỉnh thoảng khóc, lúc đó tôi sẽ đứng dậy, cầm tập thẻ từ đi lòng vòng trong tòa nhà cho tới khi con nín. Có khi con khóc suốt thì cũng không học được bao nhiêu nhưng tôi luôn tự khích lệ mình rằng học được ít thì cũng tiến được một chút rồi. Tôi tranh thủ vài phút đợi tàu để đọc một trang sách, thời gian đi bộ từ nha tới ga để nghe iPod, thời gian ôm con đợi ở phòng khám để nhẩm lại từ vựng. Tôi biết rằng tôi đang ở trên một quãng đường dài, nếu muốn về đích dù là được nửa bước thôi tôi cũng cố gắng tiến lên.
Tập trung nhanh nhất có thể
Trước đây khi muốn bắt đầu học hay đọc sách tôi cần có thời gian khởi động. Đó là thời gian từ khi bắt đầu vào bàn tới lúc có thể tập trung. Nhưng nếu có con nhỏ, thời gian sẽ bị chia nhỏ ra rất nhiều nên tôi cố gắng tập trung nhanh nhất có thể. Con ngủ trưa 2 tiếng, nhưng con có thể dậy bất cứ lúc nào. Tôi quan sát thời gian của mình và hiểu cho thời gian để thích ứng với thời gian của chính mình. Tôi sắp sẵn một góc trong nhà làm bàn học cho mình để mình có thể ngồi học và tập trung ngay khi có thể. Ngoài ra, thời gian trước khi bắt đầu học tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý để có thể tập trung ngay khi bắt đầu. Ví dụ như để bắt đầu làm việc ngay khi ngồi vào bàn, tôi đã nghĩ trước nội dung cần trả lời email nhận hôm trước, hay trước khi ngồi vào bàn, trong lúc chuẩn bị đồ uống tôi nhớ lại phần mình học dang dở ngày hôm trước.
Không cố gắng làm xong hết trong một lần
Chúng ta thường có cảm giác thất vọng khi không làm được như mình mong muốn. Muốn học 1 tiếng nhưng chỉ học được 15 phút, muốn tập thể dục 30 phút nhưng chỉ được 10 phút. Chúng ta thường nhìn vào phần không làm được và chán nản,nhưng chúng ta có thể nhìn vào phần mình đã làm được để hài lòng và khích lệ bản thân.
Ngoài việc học, việc làm tôi cũng có những việc không thể bỏ được như làm giấy tờ hồ sơ như giấy tờ thuế, bảo hiểm, hay giấy tờ cho trường học của con. Trước đây tôi hay gom lại làm một lượt, nhưng bây giờ tôi mang theo người, khi rảnh một chút tôi lấy ra ngay để làm. Ví dụ như một tờ hồ sơ A4 cần điền, có lúc chỉ viết được cái tên thôi tôi cũng viết. Để tận dụng thời gian làm việc trong những phút quý báu ấy tôi luôn chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết ở trong túi. Lúc đó trong túi của tôi luôn có những thứ này:
- File giấy tờ cần điền
- Set phong bì, tem thư, con dấu, sổ địa chỉ
- Ví đựng bút
- Keo dán
- Dập ghim
- Kéo
- Sách(đang đọc và sách sắp đọc)
- iPad
- iPod
- Tài liệu học(bộ đề)
- Dây chun hình động vật(cho con chơi trên tàu)
- Băng y tế urgo(lúc con bị trầy xước hay có thể làm đồ chơi cho con)
- Điện thoại
- Tài liệu công việc
- Ví tiền
Túi xách luôn đầy chật đồ đạc như thế nhưng tôi không muốn bị tiếc nuối khi có thời gian làm cái này cái kia mà không có vật dụng để làm ngay lúc đó.

Ba yếu tố gia tốc: Thời gian, nơi chốn, bạn bè
Nếu chỉ dựa vào bản thân lúc nào muốn học thì học, lúc nào muốn làm thì làm thì chúng ta rất dễ bỏ cuộc. Để duy trì một hoạt động nào đó, hay để nâng cao hiệu suất nào đó chúng ta cần một yếu tố trói buộc bản thân. Ví dụ như việc đi học thêm, đi chạy tập thể dục cùng bạn bè, chúng ta sẽ dễ dàng duy trì hơn là làm một mình. Đối với tôi, yếu tố tôi hay sử dụng nhiều nhất là thời gian. Nếu không làm lúc này thì trong ngày không còn lúc nào để làm nữa. Ví dụ như thời gian tôi ngồi trên tàu nghe iPod, nếu tôi không làm lúc đó sẽ không có thời gian nào trong ngày để mà nghe nữa. Khi có một yếu tố trói buộc như vậy tự bản thân sẽ phản ứng nhanh hơn và tận dụng tốt hơn thời gian lúc đó.
Bổ sung năng lượng thường xuyên
Có những lúc tôi phí phạm thời gian, có những lúc tôi không thể tập trung vào công việc, hay có những lúc tôi không làm kịp những việc mình muốn làm. Những lúc đó tôi mở cuốn sổ ghi những câu nói ảnh hưởng nhiều tới tôi nhất ra đọc lại.
“If you want to change the world, start with yourself.”-Mahatma Gandhi
“Nurture your mind with great thoughts. To believe in the heroic makes heroes.”- Benjamin Disraeli
“It is not enough to be busy. So are the ants. The question is: What are we busy about?“- Henry David Thoreau
“Whatever God has brought about Is to be borne with courage.”— Sophocles
Xe đạp sẽ không đổ khi đang đi
Khi nhận được giấy báo đỗ từ Harvard là lúc tôi hạnh phúc nhất nhưng ngay sau đó tôi phải đối diện với vô vàn khó khăn. Tôi không tìm hiểu kỹ về cuộc sống ở Mỹ nên gặp rất nhiều điều ngoài dự tính. Dẫn các con đi học cùng ở Mỹ, tôi phải gửi trẻ cả 3, tiền học ở Mỹ đắt gấp nhiều so với ở Nhật, tiền bảo hiểm y tế cũng vậy. Thời gian đi làm thêm không có, học phí chỉ được hỗ trợ một phần nhỏ. Tiền tiết kiệm gia đình tôi cũng vơi dần. Những năm ở Mỹ tôi không dám đi đâu, cuối tuần chỉ cùng con ở công viên. Buổi trưa tôi tham gia những buổi workshop xuyên trưa để được ăn trưa miễn phí. Tôi đăng ký chế độ hỗ trợ người thu nhập thấp cho bà mẹ có con nhỏ để được nhận sữa, trứng, và bánh mì. Từ một người sống đầy đủ ở Nhật, tôi lâm vào cảnh thiếu thốn và cần hỗ trợ xã hội mà tôi không tưởng tượng ra trước đây.Lúc đó tôi lại càng chắc chắn rằng, con người cần dựa vào nhau để sống. Rất nhiều người cả quen biết và không quen đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Khi viết quyển sách này tôi luôn nghĩ tới với lòng biết ơn sâu sắc tới tất cả.
Lúc mệt mỏi nhất, tôi luôn nhớ tới một câu nói đơn giản đã vựng tôi dậy lúc khó khăn.
I want to listen to your talk.
Lâu lắm rồi mình mới đọc một cuốn sách một mạch từ đầu tới cuối như thế này, thật sự rất xúc động với những chia sẻ chân thành của cô. Nếu nội dung này truyền cảm hứng tới bạn mong rằng bạn hãy chia sẻ để những điều tốt đẹp được lan rộng hơn nữa.
Cảm ơn chị! Buổi sáng đọc được bài này trước khi bước vào làm việc thật là quý giá.
Cám ơn em nhiều, chúc em luôn nhận được năng lượng tích cực mỗi ngày nhé!
chị Phương ơi, chị có chia sẻ tên cuốn sách được không ạ?
Bài viết hay quá ạ!
Cuốn sách 時間がないからなんでもできる em nhé!
Cám ơn em đã đọc bài!
Cảm ơn bài viết của chị. Em cũng đang học tập ở Nhật. Việc đọc những bài viết của chị mỗi ngày giúp em tạo được hứng khởi trong công việc hơn. Đọc xong bài này em càng kiên định với con đường mà mình đang lựa chọn hơn nữa. Chúc chị luôn mạnh khỏe và thành công ạ!
Cám ơn em, chúc em vững bước và thành công trên con đường em đã chọn nhé
cuốn sách đúng là truyền cảm hứng cho mình rất nhiều. Mình muốn làm nhiều thứ nhưng lại không dám vì sợ không đủ thời gian rồi cuối cùng ko tốt được cái nào cả? Đúng là “ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”. thật ngưỡng mộ
Mình cũng rất ngưỡng mộ chị ấy, cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình nha!
Bài viết hay quá bạn ơi! Bạn có biết cuốn này có phiên bản tiếng Anh ko? Mình chỉ tìm thấy bản dịch sang tiếng Trung trên Amazon.
Cảm ơn bạn.
Mình không thấy bản tiếng Anh của cuốn sách này bạn ạ, Cám ơn bạn đã đọc bài mình nhé!
Bạn ơi sách có tiếng anh hay tiếng việt không ạ. Cám ơn bạn đã giới thiệu sách này nhe.
Không có bạn ạ, hiện tại chỉ có sách tiếng Nhật thôi.
Mình cũng là 1 người mẹ và khát khao học tập để thay đổi cuộc sống. Thực sự rất khó khăn. Nhưng đọc chia sẻ của chị ấy mới thấy mình quá nhỏ bé và chưa biết tận dụng thời gian hiệu quả. Cám ơn chia sẻ của bạn. Chúc bạn và gia đình bình an, hạnh phúc.
CHỊ ƠI CHO EM HOI SÁCH CÓ DỊC TIẾNG VIỆT KHÔNG Ạ
Không có sách tiếng Việt và tiếng Anh bạn ạ.
Cảm ơn bài viết của chị. Em rất muốn tìm quyển sách này bằng tiếng Anh, tuy nhiên em không tìm thấy nên việc có người tóm tắt lại cuốn sách như thế này em rất biết ơn. Việc ghi lại những câu nói tạo động lực cho bản thân cũng là một điều rất quan trọng em sẽ bắt đầu làm ngay khi đọc xong bài viết này. Chúc chị nhiều niềm vui và sức khỏe.
Cám ơn em đã đọc bài viết của chị nhé! Chúc em thành công và hạnh phúc!
Mình tình cờ tìm được blog của bạn. Cảm ơn bạn với những chia sẻ rất hay và hữu ích nha!
Bài viết xúc động và đầy cảm hứng. Biết ơn và yêu thương chị! Em xin phép được chia sẻ trên facebook ạ
Cám ơn em đã đọc bài và chia sẻ<3